Kinh nghiệm
Sau 2 lần điều chỉnh kể từ đầu năm 2016, giá xăng đã giảm gần 1.000 đồng/lít. Trong khi một số doanh nghiệp vận tải đã chủ động giảm giá cước cho hành khách thì các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn nằm ngoài vùng tác động.
Bình ổn giá thị trường nhu yếu phẩm
15h chiều 19/1, giá xăng RON 92 giảm 590 đồng/lít về mức 15.442 đồng/lít; dầu diesel giảm 912 đồng/lít còn 10.027 đồng/lít; dầu hỏa giảm 886 đồng/lít còn 9.388 đồng/lít; dầu mazut giảm 301 đồng/kg về mức 7.245 đồng/kg.
Sau mỗi lần xăng dầu biến động theo chiều hướng đi xuống, người dân khấp khởi chờ đợi giá
Sau mỗi lần xăng dầu tăng giá, nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt là giá cước vận tải nhanh chóng “chạy đua”. Tưởng rằng, giá xăng dầu biến động theo hướng đi xuống sẽ “chiều lòng” người dân nhưng thực tế đang cho thấy điều ngược lại. Xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, người tiêu dùng vẫn phải chịu thiệt thòi, dù giá xăng dầu giảm mạnh qua 12 lần điều chỉnh.
Trưởng phòng Kinh tế - Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) Nguyễn Anh Thắng cho biết đã gửi văn bản đến đơn vị vận chuyển đề nghị giảm 20% giá cước nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Tuy vậy, theo nhận định của ông Thắng, dù giá xăng dầu giảm nhưng giá nông sản, thực phẩm vẫn “đứng yên” do phí vận chuyển không đáng kể và hàng hóa không chịu sự tác động từ những lần giảm giá này. “Chỉ có các mặt hàng công nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ chịu ảnh hưởng lớn từ sự điều chỉnh giá xăng dầu. Công ty chúng tôi sẵn sàng giảm 5% giá các mặt hàng nhu yếu phẩm sau khi văn bản đề nghị được phía đối tác chấp thuận” - ông Thắng thông tin thêm.
Tại các điểm chợ, giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn không nhúc nhích. Chị Cao Kim Anh, chủ cửa hàng rau, củ, quả tại chợ Bắc Hà giải thích: “Do đầu mối giao hàng vẫn báo giá cũ và cước vận tải không giảm nên giá các mặt hàng không thay đổi”. Trái lại, trong điều kiện thời tiết giá rét như những ngày gần đây, giá một số mặt hàng rau, củ, quả còn có xu hướng tăng. Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần cũng là nguyên nhân khiến không ít đầu mối nại ra lý do nguồn cung khan hiếm để né tránh việc giảm giá. Không ít khách mong muốn giá các mặt hàng tiêu dùng điều chỉnh phù hợp nhằm kích thích sức mua.
Doanh nghiệp vận tải “chiều lòng” khách
Sự điều chỉnh giá xăng dầu có tác động rất lớn đến giá hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải. Sau khi giá xăng về mức 15.442 đồng/lít, nhiều doanh nghiệp vận tải đã đồng loạt hạ giá cước. Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh - Hồ Quốc Cường cho hay: “Giá xăng dầu giảm liên tiếp trong thời gian gần đây tạo điều kiện hơn cho lái xe và hành khách. Thực hiện công văn của Bộ Tài chính, doanh nghiệp Mai Linh đã tiến hành giảm giá cước từ ngày 21/1 với mức giảm từ 8-10% so với giá cũ”. Để thu hút khách hàng, công ty tăng cường tổ chức diễu hành trên đường và quảng bá trên các phương tiện truyền thông.
Chi phí xăng dầu chỉ chiếm 20% tổng doanh thu vận tải, vì vậy, đây chưa phải là yếu tố quyết định mức giá. Chưa kể, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian làm lại thủ tục, chi phí hết sức tốn kém. Với những lý do nói trên, giá cước vận tải khó có thể xoay chuyển theo chiều hướng đi xuống. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho khách hàng, nhất là dịp cận tết, không ít doanh nghiệp vận tải đã giảm giá như nhà xe Dũng Minh giảm từ 200.000 đồng xuống 180.000 đồng tuyến Hà Tĩnh - Hà Nội; nhà xe Mạnh Cường giảm từ 650.000 đồng xuống 550.000 đồng tuyến Hà Tĩnh - TP Hồ Chí Minh…
Sau mỗi lần xăng dầu biến động theo chiều hướng đi xuống, người dân đều khấp khởi chờ đợi giá cả thị trường sẽ thay đổi hợp lý. Khác với những lần phải thất vọng như trước đây, người dân đang được hưởng lợi một phần từ việc xăng dầu giảm giá. Giữa môi trường cạnh tranh khốc liệt, nếu doanh nghiệp không tuân theo quy luật thị trường sẽ rất dễ bị đào thải. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nên có phương án giảm giá nhanh và mạnh hơn để tăng sức cạnh tranh, kích thích sức mua, nhất là khi Tết Nguyên đán Bính Thân đang cận kề.
Các bài viết khác :